--------------------------------------------- ---------------------------------------------

SÀNG LỌC UNG THƯ ĐƯỜNG TIÊU HÓA CHO NGƯỜI DÂN TỪ 40 TUỔI TRỞ LÊN

trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa hà nội

Hà Nội thí điểm sàng lọc ung thư đường tiêu hóa cho người dân từ 40 tuổi trở lên

Theo kế hoạch, trong tháng 2 và 3 của năm 2017, thành phố Hà Nội sẽ triển khai thí điểm sàng lọc ung thư đường tiêu hoá cho gần 7 nghìn người trên 40 tuổi tại 2 phường Điện Biên và Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình). Sau đó, dự kiến từ tháng 4-2017, chương trình này sẽ triển khai trên toàn thành phố.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sáng ngày 9/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch xét nghiệm sàng lọc ung thư đường tiêu hóa cho người dân toàn thành phố từ 40 tuổi trở lên (độ tuổi được khuyến cáo nên sàng lọc tối thiểu 1 năm/lần).

Xem thêm:

Ung thư đường tiêu hóa – Nguy hiểm nhất trong các loại ung thư

Tháng 11/2016, Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đi vào hoạt động và đến nay tiến hành test tầm soát ung thư tiêu hóa cho 420 ca, trong đó khoảng 8,4% dương tính. Để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch xét nghiệm sàng lọc ung thư đường tiêu hóa cho người dân toàn thành phố từ 40 tuổi trở lên (độ tuổi được khuyến cáo nên sàng lọc tối thiểu 1 năm/lần). Quy trình xét nghiệm sàng lọc sẽ bắt đầu từ khâu lấy mẫu phân của người tham gia sàng lọc (thực hiện tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn) và gửi tới Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội để xét nghiệm.

Theo kế hoạch, trong tháng 2 và 3 của năm 2017, thành phố Hà Nội sẽ triển khai thí điểm sàng lọc ung thư đường tiêu hoá cho gần 7 nghìn người trên 40 tuổi tại 2 phường Điện Biên và Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình). Sau đó, dự kiến từ tháng 4-2017, chương trình này sẽ triển khai trên toàn thành phố. Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, việc này nếu thực hiện thành công sẽ mang lại lợi ích lớn trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Do vậy Hà Nội đề xuất Chính phủ cho phép Hà Nội được sử dụng từ tiền kết dư của từ Quỹ bảo hiểm. Còn với những người dân có thẻ bảo hiểm y tế có dấu hiệu bệnh thì vẫn thực hiện theo hình thức bảo hiểm y tế.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng tầm soát ung thư là một chủ trương rất nhân văn của Thủ đô Hà Nội trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đồng thời giảm tốn kém cho hệ thống y tế vì khi phát hiện sớm khả năng điều trị thành công cao, người bệnh và cơ sở y tế cũng không phải gồng mình lên chống trọi với bệnh tật khi đã trở nặng. Bên cạnh đó Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh Hà Nội thời gian qua đã làm tốt công tác an sinh xã hội như tập trung quản lý vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh trường học…

Với vướng mắc từ cơ chế khi Luật Bảo hiểm y tế không cho phép thanh toán trường hợp khám sàng lọc, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ trình Chính phủ đề xuất nêu trên, nếu trong thẩm quyền của mình Chính phủ có thể quyết được trên diện hẹp sẽ quyết còn không phải đợi trình Quốc hội.

“Trong lúc chờ quyết định, Hà Nội nên triển khai, phần nào bảo hiểm y tế chi trả thì chi trả còn không huy động từ nguồn vốn xã hội hóa”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nói.

Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) đi vào hoạt động từ tháng 11/2016. Trung tâm đã đầu tư hệ thống tầm soát ung thư đường tiêu hóa nhằm tầm soát, chẩn đoán, phòng ngừa, để chẩn đoán sớm bệnh ung thư đường tiêu hóa cho tất cả người dân có độ tuổi từ 40 tuổi trở lên với giá theo Thông tư 35 của Bộ Y tế quy định là 63.200đ/lần trong khi đó tại Singapore người dân đang phải trả là 15 USD, tại Mỹ là 26 USD. Với công suất 320 test/1 giờ thì với 1,5 triệu dân Hà Nội với độ tuổi từ 40 trở lên đến 65 tuổi, trong vòng 5 năm tới chúng ta sẽ phòng ngừa được từ 5000-10.000 người không bị mắc bệnh ung thư mỗi năm và hàng nghìn người sẽ được chữa trị sớm, vì ung thư là bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi.

Theo: Sức khỏe và Đời sống

Reply