--------------------------------------------- ---------------------------------------------

Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu Corynebacteria diphtheriae gây ra. Trực khuẩn bạch hầu tiết ra độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Nhiễm trùng có thể lây lan dễ dàng qua hắt hơi và ho.

Có 2 thể bệnh bạch hầu hay gặp: bạch hầu họng và bạch hầu thanh quản. Ở vùng nhiệt đới có thể gặp bạch hầu mũi, mắt, da.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường xảy ra ở những trẻ không được tiêm chủng. Ở vùng khí hậu nhiệt đới bệnh thường gặp trong những tháng lạnh. Trong năm 2000 có khoảng 30.000 trường hợp mắc và 3000 trường hợp chết do bạch hầu đã được báo cáo trên toàn thế giới.

Bệnh bạch hầu lây truyền như thế nào?

Bệnh bạch hầu lây truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp. Nó có thể gây nhiễm trùng mũi họng dẫn đến khó thở và tử vong.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh là gì?

Triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị, màng này lan rộng lấp đầy đường hô hấp khiến bệnh nhân ngạt thở.

Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch cầu gây viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm nhất là độc tố của vi khuẩn có thể theo máu tác động lên các cơ quan chính của cơ thể làm viêm tim, viêm thận.

Thậm chí vi khuẩn tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói của người bệnh có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản.

  • Bạch hầu thể họng, triệu chứng sớm nhất là viêm họng, chán ăn và sốt nhẹ. Trong vòng 2-3 ngày giả mạc trắng có màu ngà ở trong họng và lưỡi.
  • Giả mạc bạch hầu có đặc điểm là dai, dính và dễ chảy máu nếu bóc giả mạc. Nếu có chảy máu, giả mạc có thể màu xám hoặc đen.
  • Bệnh nhân có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 – 10 ngày.
  • Bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có thể sưng cổ và làm hẹp đường thở.

Biến chứng của bệnh là gì?

Trong giai đoạn sớm của bệnh hoặc những tuần sau đó, bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp tim có thể gây suy tim. Một vài bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim sau nhiều năm bị bệnh tim mãn và suy tim. Biến chứng nguy hiểm nhất của bạch hầu là tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong.

Điều trị bệnh bạch hầu như thế nào?

Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu và dùng kháng sinh như erythromycin hoặc penicillin và cần cách ly tránh lan truyền bệnh sang người khác. Cần nuôi cấy dịch họng để chẩn đoán. Bệnh nhân sẽ không còn khả năng lây lan sau 2 ngày điều trị kháng sinh thích hợp.

Phòng bệnh bạch hầu như thế nào?

Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm văcxin cho trẻ 3 lần từ khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau một tháng. Sau một năm thì tiêm nhắc lại, sau 5 năm nhắc lại một lần nữa.

Bệnh nhân khi bị viêm họng và các triệu chứng trên nên đi khám sớm. Nếu thầy thuốc phát hiện có lớp màng giả màu trắng ở vòm họng nghi ngờ bị bệnh bạch hầu sẽ chỉ định tiêm ngừa kháng độc tố để ngăn ngừa biến chứng.

Reply