--------------------------------------------- ---------------------------------------------

[Review]: Bệnh SỞI – Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Bệnh sởi là gì?

Bệnh sởi là một bệnh virus cấp tính gây ra và đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát-sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao.

>>> Xem thêm: Bệnh nhiễm virus Rubella

Bệnh sởi thường hay xảy ra vào mùa đông xuân, lây truyền qua đường hô hấp do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện…do đó sởi rất dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… dễ gây thành dịch.

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các bệnh kèm theo hoặc có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu trẻ không được điều trị đúng cách.

nguyên nhân gây bệnh sởi

Trước đây bệnh xảy ra rất thường xuyên và có tỷ lệ lây nhiễm cũng như tử vong rất cao nhưng hiện nay không còn phổ biến nhờ vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Sởi là một bệnh dễ lây lan: trong gia đình nếu có một người bị bệnh thì có đến 90% những người chưa có miễn dịch sẽ bị nhiễm bệnh. Người bệnh phát tán virus mạnh nhất là vào giai đoạn tiền triệu (giai đoạn xuất tiết) thông qua các hạt nhỏ bắn ra khi ho, khi nói chuyện hoặc khi tiếp xúc. Điều đáng nói ở đây là giai đoạn lây lan mạnh này xuất hiện vào lúc khi bệnh chưa được chẩn đoán, do đó, dĩ nhiên cũng không có biện pháp phòng ngừa.

Trẻ sơ sinh được mẹ truyền các kháng thể miễn dịch thông qua nhau thai. Lượng kháng thể có thể tồn tại từ 4 đến 6 tháng, do vậy trẻ ít khi mắc bệnh trong giai đoạn này. Tuy vậy, một số bằng chứng cho thấy kháng thể từ mẹ có thể bảo vệ trẻ đến tháng thứ 9 sau khi sinh. Đây là lý do tiêm chủng ngừa sởi thường được thực hiện trước 12 tháng

Các triệu chứng của bệnh sởi

  • Sốt rất cao 39 đến 40 độ C trong 2 ngày đầu
  • Ngày thứ 3-4 xuất hiện các ban trên da, trình tự mọc của các nốt ban từ sau tai lan ra mặt và lưng, sau 2-3 ngày sẽ lan ra toàn thân. Bệnh nhân sẽ có thêm triệu chứng viêm kết mạc, viêm đỏ, có rỉ mắt, viêm đường hô hấp (ho khan, hắt hơi, sổ mũi).
  • Ngày thứ 5 ban bọc khắp toàn thân (từ đầu xuống chân) trẻ đỡ sốt, giảm viêm đường hô hấp.

trẻ bị bệnh sởi

Khi trẻ mắc bệnh sởi, hệ miễn dịch sẽ bị suy giảm rất nhanh. Trẻ thường không tử vong vì bệnh sởi mà tử vong do các bệnh nhiễm trùng khác (viêm phổi, tiêu chảy…). Trẻ càng nhỏ biến chứng do bệnh sởi gây ra càng nhiều như viêm phổi, suy hô hấp, viêm đường tiêu hóa,…

Cha mẹ cần sớm nhận biết dấu hiệu trẻ mắc bệnh sởi để điều trị đúng cách. Trong 2 ngày đầu, tất cả bệnh nhi sốt cao do virus thường không có triệu chứng rõ ràng. Đến ngày thứ hai, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện.

Biến chứng của bệnh sởi

Các biến chứng thường gặp của sởi là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não. Chính các biến chứng này làm kéo dài thời gian bệnh, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ. Hậu quả là suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng, đến lượt nó, lại là tiền đề cho các bệnh nhiễm trùng phát sinh. Đây là vòng lẩn quẩn bệnh lý thường gặp.

Phân biệt giữa bệnh sởi và sốt phát ban

Nếu như trẻ chỉ bị sốt phát ban thông thường sẽ có triệu chứng sốt cao nhưng không có viêm kết mạc, viêm đường hô hấp. Sốt phát ban thông thường sẽ mọc toàn thân chứ không mọc lần lượt như bệnh sởi.

Chăm sóc trẻ bị bệnh sởi

Khi chăm sóc trẻ, cha mẹ cần phải đảm bảo cách ly không để nguồn bệnh lây lan và giúp trẻ không bị mắc thêm bệnh lây truyền từ người khác. Virus sởi thường làm suy giảm hệ miễn dịch rất nhanh, nếu trẻ tiếp xúc với người khác đang mắc cúm sẽ khiến bệnh tăng nặng. Do đó, hạn chế tiếp xúc thăm hỏi là cách phòng biến chứng cho trẻ.

Khi chăm sóc bệnh nhi bị sởi tại nhà, cha mẹ cần phải lưu ý:

  • Trẻ sốt cao trên 38,5 độ cần uống thuốc hạ sốt.
  • Rửa mũi để giảm nguy cơ viêm đường hô hấp.
  • Lựa chọn đồ ăn lỏng dễ tiêu, tránh những thức ăn dễ gây dị ứng.
  • Tắm rửa vệ sinh cho trẻ hàng ngày.
  • Vệ sinh môi trường trẻ sinh sống thoáng và sạch.

Phòng bệnh sởi

Khi phát hiện trẻ có tiếp xúc với nguồn lây bệnh nên cách ly trẻ ở bệnh viện từ ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc đến ngày thứ 5 sau khi xuất hiện ban sởi bởi giai đoạn này là giai đoạn lây lan mạnh.

Bệnh sởi sẽ diễn biến nặng trên một số đối tượng đặc biệt như trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, trẻ béo phì, mắc bệnh lý suy giảm hệ miễn dịch…

Đối với trẻ chưa đến tuổi để tiêm vắc xin, cách phòng bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Cha mẹ sau khi đi làm về cần phải rửa tay bằng xà phòng, nhỏ nước mũi sinh lý mới bế trẻ. Phụ nữ chuẩn bị mang thai nên tiêm phòng vắc xin đầy đủ để có kháng thể cho con.

Tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi

Hiện nay các nước tiên tiến thường tiêm ngừa sởi bằng vaccine tam liên sởi-quai bi-rubella (sởi Đức). Mũi tiêm đầu tiên thực hiện lúc trẻ được 12 đến 15 tháng tuổi. Mũi tiêm nhắc lại có thể thực hiện lúc trẻ được 4-6 tuổi tuy nhiên cũng có thể tiêm nhắc vào bất cứ lúc nào sau mũi thứ nhất 4 tuần. Trẻ không được tiêm nhắc mũi thứ hai nên được tiêm vào lúc 10 đến 12 tuổi. Ở các nước có tỷ lệ lưu hành sởi khá cao thì có thể tiêm mũi đầu tiên ngay lúc trẻ được 6 tháng tuổi. Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam thực hiện mũi tiêm sởi lúc trẻ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm này chỉ chứa vaccine sởi. Tại các thành phố lớn hiện có vaccine tam liên như trên nhưng không miễn phí. Các gia đình có điều kiện nên tiêm loại vaccine này. Vì vaccine sởi là loại vaccine sống giảm độc lực nên không được khuyến cáo ở phụ nữ có thai, trẻ suy giảm miễn dịch tiên phát, trẻ bị bệnh lao không được điều trị, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc trẻ bị bệnh AIDS giai đoạn nặng.

Phòng ngừa sau phơi nhiễm

Trong vòng 6 ngày từ khi tiếp xúc nguồn lây, việc sử dụng globuline miễn dịch có thể phòng ngừa bệnh hoặc làm giảm mức độ nặng của sởi. Đây là phương thức phòng ngừa đắt tiền và cũng không phổ biến ở Việt Nam. Ngay cả tại các nước phát triển thì cũng chỉ một số đối tượng được khuyến cáo sử dụng phương pháp này. Đó là phụ nữ có thai chưa được miễn dịch với sởi, trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi sinh ra từ mẹ không có miễn dịch chống sởi… Do vậy biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất vẫn là tiêm chủng ngừa bệnh theo chương trình quốc gia.

Theo Soha, Sức khỏe và đời sống
www.menvisinhvn.com

Reply